Mục lục chính
Cây Cẩm Nhung là loại cây để bàn làm việc có vẻ đẹp hết sức độc đáo, cùng với đó là giá trị phong thủy tuyệt vời đang được giới văn phòng ưa chuộng hiện nay.
Nổi bật và tinh tế là những tính từ miêu tả chân thực nhất mà bạn có thể thốt lên khi nói về vẻ đẹp của cây Cẩm Nhung. Không những thế, chúng còn mang giá trị phong thủy tốt lành với may mắn, tài lộc, thịnh vượng đến cho gia chủ.
Hãy cùng Cây Xinh tìm hiểu cụ thể hơn về loại cây này nhé!
Nguồn gốc và đặc điểm hình thái của cây
Cẩm Nhung (tên khoa học: Fittonia) là loại cây bản địa của rừng mưa nhiệt đới ở châu Nam Mỹ mà chủ yếu là đất nước Peru. Hiện nay được du nhập về Việt Nam và trồng rất phổ biến để trang trí văn phòng, quán cafe, nhà ở…
Ở trạng thái sinh trưởng tốt với đầy đủ nước, lá cây sẽ trở nên cứng cáp và mặt sau lá có một lớp lông mịn màng. Phiến lá thuôn tròn, bên mép có màu đen hoặc xanh thẫm. Điểm thu hút nhất của loại cây này là các đường gân lá có màu sắc rất nổi bật với màu tím hoặc xanh phản quang đẹp mắt.
Kích thước của cây không quá cao nhưng chúng có xu hướng lan rộng các nhánh cây với thân rễ phát triển mạnh mẽ.
Bộ rễ chùm của Cẩm Nhung có sức sinh trưởng mạnh, ăn sâu vào lòng đất để hấp thụ nước và muối khoáng nuôi cây. Cây chủ yếu phát triển thành bụi nhỏ với các tán lá đối xứng nhau đẹp mắt. Cây có nhiều màu khác nhau như hồng, tím, xanh bạc hà, đỏ… nên bạn có thể thỏa mái lựa chọn loại cây mà mình thích.
Đến một thời kỳ sinh trưởng nhất định, cây sẽ cho hoa màu trắng hoặc vàng nhưng với kích thước khá nhỏ. Hoa Cẩm Nhung có dạng hình chuông, tập hợp trên một cụm hoa dài. Loại hoa này có vẻ đẹp nhẹ nhàng, tinh khiết.
Các loại cây Cẩm Nhung được ưa chuộng nhất hiện nay
Như đã nêu trên, lá Cẩm Nhung có rất nhiều màu sắc khác nhau và chúng chính là điểm chúng ta nhận biết các loại cây. Hiện nay, cây Cẩm Nhung với màu lá xanh và đỏ là hai loại cây văn phòng đang được rất nhiều người ưa chuộng.
Trong đó, cây Cẩm Nhung xanh có màu lá xanh đậm với các gân màu sáng nổi lên trên bề mặt phiến lá rất đẹp mắt. Nếu bạn yêu màu xanh mát mẻ và xinh tươi thì Cẩm Nhung xanh sẽ là một lựa chọn thực sự tuyệt vời.
Với các phiến lá màu xanh đậm kết hợp cùng những đường gân đỏ sáng bật tông chính là điểm nổi bật nhất khi bạn nhìn thấy cây Cẩm Nhung đỏ. Màu sắc nổi bật này như một nét chấm phá độc đáo để không gian nội thất của bạn trở nên sống động và thu hút hơn. Hơn nữa, sắc đỏ trong văn hóa Á Đông tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi.
Ý nghĩa cây Cẩm Nhung trong phong thủy
Cây Cẩm Nhung còn gọi là Lá May Mắn, vì vậy ngoài được biết đến như một loại cây cảnh văn phòng chúng còn là loại cây phong thủy thường làm quà tặng trong các dịp đặc biệt như sinh nhật, khai trương, mừng tân gia…
Tuy nhiên, theo phong thủy thì sự tương hợp và bổ trợ của cây còn tùy thuộc vào bản mệnh của từng gia chủ.
Cây cẩm nhung hợp mệnh gì?
Trong phong thủy, cây sẽ thu hút vượng khí, xua tan vận hạn để gia chủ có được may mắn, tài lộc và thịnh vượng bền lâu. Vì vậy, chúng được các chuyên gia phong thủy xem là lá bùa hộ mệnh cho tất cả 5 mệnh trong thuyết ngũ hành, bất kì mệnh nào, tuổi nào cũng phù hợp với chúng.
Những yếu cần lưu ý khi trồng cây là gì?
Nếu bạn muốn chậu cây Cẩm Nhung của mình luôn xanh tốt, hãy đảm bảo những yêu cầu sau đây:
Cắt tỉa
Để cây Cẩm Nhung luôn giữ được vẻ ngoài hoàn hảo nhất thì việc cắt tỉa là điều mà bạn cần phải thực hiện thường xuyên.
Loại bỏ các lá vàng úa, sâu bệnh sẽ giúp cây khỏe mạnh lại có được tạo hình đẹp như ban đầu. Khi cắt tỉa cây, hãy giữ lại những cành khỏe mạnh và xén đi những cành suy dinh dưỡng, phát triển kém để cây luôn duy trì được sức sống căng tràn.
Lượng nước
Mỗi tuần, loại cây cảnh văn phòng này sẽ cần tưới 1 – 2 lần và mỗi lần khoảng 100 – 200ml nước. Sau khi tưới nước, bạn có thể dùng ngón tay để kiểm tra độ ẩm đã ổn hay chưa. Nếu đất quá khô thì bạn thêm vào một ít nước còn quá ẩm thì giãn thời gian tưới nước cho lần sau ra xa hơn dự kiến.
Lưu ý, bạn nên sử dụng nước máy đã để qua đêm cho bay hết Clo để tưới cây và lưu ý xem nhiệt độ của nước có trùng với nhiệt độ phòng hay không để tránh việc sốc nhiệt cho cây.
Độ ẩm
Độ ẩm thích hợp cho cây Cẩm Nhung phát triển hoàn hảo nhất là vào khoảng 60-70%.
Tốt nhất, hãy dùng bình phun sương để toàn bộ mặt lá được đắm mình hấp thụ trong làn nước mát lạnh như chính khu rừng mưa quê hương của chúng. Bạn có thể thêm một ít sỏi lên trên bề mặt đất vừa để trang trí lại hạn chế quá trình bay hơi của nước.
Đất
Loại đất mà Cẩm Nhung ưa thích vừa phải có độ xốp để giữ ẩm lại có khả năng thoát ẩm tốt để sinh trưởng để chúng sinh trưởng tốt nhất. Hỗn hợp đất thích hợp nhất là tổ hợp của than bùn, cát khô và đất mùn với tỉ lệ bằng nhau. Đất mùn sẽ có vai trò giữ ẩm, cát giúp thoát nước và than bùn giàu chất hữu cơ để nuôi cây.
Ánh sáng
Giống như các loại cây văn phòng khác như cây Bạch Mã Hoàng Tử, cây Vạn Lộc, cây Kim Tiền,… cây Cẩm Nhung phát triển tốt nhất ở môi trường có bóng râm hoặc ánh sáng nhẹ. Cây sẽ bị cháy nắng nếu như bạn để chúng dưới ánh nắng mặt trời trong một khoảng thời gian nhất định.
Nhờ phát triển tốt dưới ánh đèn huỳnh quang mà Cẩm Nhung rất phù hợp làm cây cảnh trong nhà để trang trí không gian nội thất gia đình hay văn phòng.
Phân bón
Phân bón NPK 5 – 5 – 5 pha loãng cùng với nước là thức ăn yêu thích cho cây Cẩm Nhung để bàn xanh tốt. Mỗi tháng một lần, bạn nên bổ sung dinh dưỡng bằng loại phân bón này cho cây.
Tuy nhiên, trong trường hợp nếu cây bị suy nhược hay kém phát triển, bạn có thể cho thêm một lượng phân vừa phải ngay lúc đó để Cẩm Nhung hồi phục nhanh hơn. Số lượng phân bón và thời gian chăm cây có thể linh động tùy thuộc vào thể trạng của cây.
Nhiệt độ
Cẩm Nhung cần môi trường có nhiệt độ vào khoảng 20°C để sinh trưởng tốt nhất. Vì vậy, không gian nội thất gia đình hay văn phòng sẽ rất phù hợp để trồng loại cây này. Bạn nên lưu ý giữ cho nhiệt độ của cây luôn ổn định để tránh tình trạng khô héo hoặc rụng lá.
Cách nhận biết và xử lý khi cây Cẩm Nhung bị bệnh
Giống như tất cả các loại cây trồng trong nhà khác, Cẩm Nhung cũng không tránh khỏi những lúc bị nhiễm bệnh. Sau đây là các cách nhận biết và khắc phục tốt nhất cho những bệnh lý mà Cẩm Nhung thường gặp:
– Lá úa vàng và thối rễ là hậu quả của việc cây bị úng nước. Lúc này, bạn nên kiểm tra lại hệ thống thoát nước xem chúng có hoạt động tốt hay không. Đặt cây ở vị trí thông thoáng hơn, tỉa các lá vàng và giảm lượng nước tưới lại để cây có thể hồi phục là cách tốt nhất bạn nên làm lúc này.
– Lá rụng là hiện tượng của nhiễm lạnh. Bạn cần căn chỉnh lại nhiệt độ phòng hoặc đem cây đến những nơi có nhiệt độ khoảng 20°C để phù hợp với môi trường nhiệt đới tự nhiên.
– Lá khô xuất hiện khi cây bị thiếu nước hoặc cháy nắng. Bạn nên tưới cây bằng bình phun sương vào tất các mùa trong năm và chuyển cây sang một nơi râm mát, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.
– Xuất hiện các đốm bất thường trên lá thường do nấm, bọ xít, kiến hoặc rệp tác động. Hãy loại bỏ hết lá bị sâu và xử lý toàn bộ những dấu vết mà chúng gây hại cho cây để tránh lây lan sang những cây trồng khác.
Hy vọng rằng, với những thông tin hữu ích mà Cây Xinh đã cung cấp trên đây bạn có thể ứng dụng tốt trong đời sống của mình. Nếu bạn đang loay hoay không biết nên mua cây Cẩm Nhung ở đâu, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline 096 596 2586 hoặc 094 822 5678 để được tư vấn nhé!