Mục lục chính
Cây Trầu Bà Lá Lỗ đang là loại cây gây “sốt” trong cộng đồng những người yêu cây hiện nay, bởi ngay từ cái nhìn đầu tiên nó đã thu hút, gây ấn tượng mạnh với những chiếc lá như được điêu khắc những lỗ hổng kì lạ, gợi lên sự tò mò cho người ngắm muốn ngay lập tức khám phá và tìm hiểu loại cây này.
Cây Trầu Bà Lá Lỗ với ưu điểm sinh trưởng tốt trong môi trường hoàn toàn trong bóng râm nên được ưu ái đặt trang trí rất nhiều ở bàn học, bàn làm việc, trong nhà hay là món quà tặng ý nghĩa,… Ngoài ra, cây còn mang lại giá trị cao về mặt phong thủy cho gia chủ.
Một loại cây rất thích hợp cho ngôi nhà cũng như nơi làm việc của bạn, nếu vẫn chưa hiểu nhiều về cây Trầu Bà Lá Lỗ thì hãy cùng Cây Xinh đi tìm hiểu sâu hơn với bài viết sau đây nhé.
Nguồn gốc và đặc điểm hình thái của cây
Cây Trầu Bà Lá Lỗ (tên khoa học: Monstera adansonii) thuộc cây họ Ráy (Araceae), là một loại cây nhiệt đới lâu năm có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ. Trầu Bà Lá Lỗ là cây thân thảo, gốc cây có nhiều nhánh, nhiều đốt và có đặc điểm là bò lan lâu năm.
Phiến lá cây Trầu Bà Lá Lỗ hình bầu dục, nhọn ở đầu rộng khoảng 4cm và dài 5-7cm màu xanh lục nhạt, cây có nhiều lỗ với kích thước lớn nhỏ không đều nhau, thoạt đầu nhìn sơ qua giống như bị sâu ăn lá. Cũng từ đặc điểm này người ta đặt tên cho cây là Trầu Bà Lá Lỗ.
Ý nghĩa của cây Trầu Bà Lá Lỗ trong phong thủy
Ngoài việc được dùng để trang trí nhà cửa, văn phòng và khả năng thanh lọc không khí tốt chỉ đứng sau cây Lưỡi Hổ, Trầu Bà Lá Lỗ còn mang ý nghĩa phong thủy cho người sở hữu chúng. Cây kích thích vận may, khí tốt trong nhà, mang lại tài lộc, phú quý, thịnh vượng, bình yên cho gia chủ.
Đặc biệt, loại cây này phù hợp với người cầm tinh con ngựa – đây là những người thường có vận may, dễ dàng thành công nhưng tiền tài thường bị dễ bị mất một cách vô lý, do đó có cây Trầu Bà Lá Lỗ trong nhà sẽ là một trong những yếu tố phong thủy giúp giữ lại thành công cho người có tuổi Ngọ.
Bên cạnh đó, với màu sắc xanh tươi, thân hình nhỏ gọn rất dễ thương cho nên cây có ý nghĩa duyên dáng phù hợp với những bạn nữ. Cây Trầu Bà Lỗ còn phù hợp làm quà tặng cho bạn bè hoặc người thân với ý nghĩa như là lời nhắn nhủ tới họ luôn tươi trẻ, phấn chấn và luôn tràn đầy sức sống
Cách Chăm sóc cây Trầu Bà Lá Lỗ để cây phát triển khỏe mạnh
Loại cây này thuộc nhóm dễ chăm sóc nên không có yêu cầu chăm sóc gì đặc biệt, tuy nhiên để cây có thể phát triển tốt, không bị hư hại, chúng ta cũng cần lưu ý tới các yếu tố sau:
Đất
Giống như hầu hết các loại cây trồng trong nhà, Trầu Bà Lá Lỗ cần được trồng trong đất thoát nước tốt để tránh thối rễ. Vì vậy, cây sẽ phát triển tốt nhất khi được trồng trong đất than bùn có lỗ thoát nước lớn. Than bùn giúp giữ độ ẩm trong đất mà không lo nó bị úng. Để cây được phát triển tốt nhất hãy giữ độ pH của đất luôn trong khoảng từ 5,5 đến 7,0.
Nước
Tần suất tưới nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm lượng ánh sáng mà cây nhận được, kích thước của cây, từng thời điểm trong năm (tưới ít hơn vào mùa đông) và độ ẩm tương đối của nhà bạn.
Là loại cây ưa nước nên tưới thường xuyên khoảng 3 lần/tuần. Một mẹo nhỏ là trước khi tưới nước cho cây, bạn có thể dùng tay của mình chạm vào đất để kiểm tra xem đất ướt hay khô, nếu đất gần khô hãy tưới nước.
Ánh sáng
Là loại cây chịu râm và ưa ẩm vì vậy nên đặt cây ở những vị trí tránh ánh nắng trực tiếp, nếu không lá cây sẽ bị cháy vàng, héo rũ. Hoặc nếu muốn cây hấp thụ ánh sáng trực tiếp thì chỉ nên cho cây tiếp xúc với ánh nắng từ 1 – 2 tiếng vào buổi sáng.
Nhiệt độ
Do đặc tính là cây nhiệt đới nên Trầu Bà Lá Lỗ thích hợp với khí hậu nóng ẩm và chịu rét kém, chính vì vậy nên giữ cây trong môi trường có nhiệt độ ấm áp, vừa phải. Nhiệt độ thích hợp nhất cho cây phát triển là từ 15°C – 30°C.
Phân bón
Để có kết quả tốt nhất, hãy bón phân cho cây mỗi tháng một lần trong suốt mùa xuân và mùa hè và cho nó nghỉ ngơi trong mùa đông để nó có thể tiết kiệm năng lượng cho mùa phát triển tiếp theo. Chú ý khi bón phân cần tưới nước thường xuyên.
Nếu thấy cặn muối hình thành trên đất hoặc chậu, hãy xối đất và bón phân thường xuyên hơn. Lá bắt đầu vàng nhưng không có dấu hiệu héo là một dấu hiệu cho thấy cây của bạn cần thêm phân bón.
Một số lưu ý khi chăm sóc Trầu Bà Lá Lỗ
Dù là một loại cây dễ chăm sóc và có sức sống mãnh liệt, Trầu Bà Lá Lỗ cũng gặp phải một số vấn đề đòi hỏi người chăm sóc phải chú ý, để cây có thể phát triển tốt. Vì vậy, có những điều bạn phải lưu ý như sau:
Sâu bệnh
Trầu Bà Lá Lỗ ít khi bị sâu bệnh hại nhưng nó cũng không tránh khỏi sự tấn công của một số loại bọ như rệp, rệp sáp, ve nhện,…để nhận biết cây rằng cây đang bị hại, bạn nên chú ý đến phần lá. Nếu thấy lá xuất hiện các dấu hiệu như đấm nấm, đốm đỏ vàng hoặc bị quăn thì cần việc đầu tiên cần làm là cách ly cây với các loại cây khác trong nhà để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Sau đó, có thể cắt bỏ các phần lá bị hư hại hoặc sử dụng các dung dịch diệt côn trùng để loại bỏ chúng.
Cách tốt nhất để phòng tránh là nên để cây trong môi trường thông thoáng, đảm bảo cây có đủ ánh sáng, nhiệt độ thích hợp cho sự tăng trưởng của cây.
Vệ sinh lá
Vì Trầu Bà Lá Lỗ có tác dụng lọc không khí tốt, nên theo thời gian một lớp bụi sẽ tích tụ trên lá của cây. Lớp bụi này cản ánh sáng mặt trời và làm giảm khả năng quang hợp của cây, tác động tiêu cực đến khả năng phát triển của thực vật.
Cách đơn giản nhất để làm sạch lá cây là phun lá với một hỗn hợp loãng của nước xà phòng và rửa sạch lá trong bồn rửa hoặc bằng vòi. Hoặc bạn cũng có thể làm sạch cây nhẹ nhàng lau lá bằng khăn ẩm. Đây cũng là cơ hội tốt để kiểm tra cây trồng và xác định bất kỳ vấn đề sâu bệnh hại nào có thể xảy ra.
Để cây có điều kiện phát triển tốt nhất nên làm sạch lá của chúng hàng tháng. Nếu bạn sống ở khu vực có nhiều bụi hoặc gần công trường xây dựng, hãy xem xét việc làm sạch lá của cây thường xuyên hơn.
Cắt tỉa lá
Để đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như sức khỏe cho cây, chúng ta nên cắt tỉa cây theo định kỳ tự mình lên kế hoạch. Bạn có thể dùng kéo sạch và bén để cắt lá chết hoặc bị hư để cây tập trung nuôi dưỡng những lá còn khỏe, và chú ý là phải cắt sát thân.
Cách nhân giống Trầu Bà Lá Lỗ nhanh, đúng kỹ thuật
Cũng giống như các loại trầu bà khác, Trầu Bà Lá Lỗ được nhân giống phổ biến nhất bằng cách giâm cành. Chúng ta bắt đầu bằng việc cắt những đoạn thân của cây chính khoảng 5-7cm, sau đó trồng vào chậu đất gồm hỗn hợp đất tro trấu và xơ dừa trộn lại với nhau. Mục đích là để tạo một lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cây phát triển. Cuối cùng, tưới phun sương nhẹ, để giữ ẩm cho đất, kích thích rễ sinh trưởng nhanh chóng.
Việc giâm cành sẽ mất một khoảng thời gian nó mới ra rễ, vì vậy hãy kiên nhẫn và giữ chúng ở nơi ẩm và ấm. Nhiều người làm vườn thường chọn cách đóng túi giâm cành để giữ ẩm và cải thiện cơ hội sống sót. Hoặc bạn cũng có thể đặt cành giâm vào nước trong vài tuần. Khi rễ xuất hiện, hãy trồng nó vào bầu đất.
Bên cạnh đó, Cây Trầu Bà Lá lỗ thường được trồng theo 2 phương pháp đó là trồng đất và trồng thủy sinh từ cây con giống mà bạn có thể mua tại cửa hàng của Cây Xinh. Trầu Bà Lá Lỗ thích leo nên chúng ta có thể cắm cho cây một cái cọc hoặc dựng giàn để cây mọc hướng lên trên, tạo dáng cho cây phát triển với những chiếc lá lỗ độc đáo. Hoặc trồng chậu treo để chúng buông rủ xuống thật đẹp mắt.
Với cách trồng dạng thủy sinh thì một tuần phải thay nước một lần, đặc biệt nếu thấy nước vơi thì phải thêm nước vào chậu, để giữ lượng nước cố định trong bình.
Trên đây là những kiến thức cơ bản mà Cây Xinh muốn cung cấp cho bạn, nếu ưu thích loại cây này hãy liên hệ với Cây Xinh ngay hôm nay để mua cây và nhận tư vấn chi tiết nhất các thông tin về loài cây này nhé!